PHẠM GIA VINH: “NHƯ ĐƯỢC SỐNG LẠI KHI TRỞ VỀ”

  1. Ngành hàng không vũ trụ là một ngành vốn ít người theo đuổi, vậy anh có thể chia sẻ về lý do cũng như nguồn cảm hứng để anh đi theo ngành nghề này? 

Nếu nói rằng đam mê về ngành hàng không của anh bắt đầu từ một nguồn cảm hứng trực tiếp nào thì không hẳn. Ngày còn bé, bố anh là bộ đội, bố hay vẽ cho anh hình ô tô, xe tăng hay máy bay. Từ đấy anh bắt đầu có niềm hứng thú với máy bay. Thời gian học bên Đức từ lớp 4 đến lớp 6 thì anh có tiếp xúc với một số hoạt động về máy bay mô hình, khiến anh càng yêu thích phương tiện này hơn. Về đến Việt Nam, anh tham gia câu lạc bộ hàng không, sang Pháp thì tiếp tục học về cơ khí tự động. Thực ra lúc đầu anh định học ngành hàng không, nhưng ngành này lúc ấy chưa phát triển nhiều ở Việt Nam. Vì vậy sau khi học xong cơ khí tự động, anh vẫn theo đuổi đam mê làm hàng không, kết hợp hai đam mê ấy với nhau để phát triển máy bay không người lái.

  1. Anh đã thành lập một công ty riêng chuyên về thiết bị không người lái, vậy theo anh, có khó khăn nào trong thời gian bắt đầu?

Anh ở nước ngoài về thì tự thành lập công ty luôn. Anh ở Pháp 7 năm vì tốt nghiệp cấp ba xong thì đi du học luôn, cho nên thời gian trưởng thành của anh chủ yếu là ở nước ngoài. Vì thế, khi về nước, anh đã mất độ khoảng 2-3 năm để thích nghi lại với văn hóa, cũng như với cách làm việc ở Việt Nam. Đó là một khó khăn lớn đối với anh.

Khó khăn tiếp theo là anh về nước khi mới 26 tuổi, lại làm trong một lĩnh vực hiếm người làm, mà trong mắt nhiều người đó là công việc là dành cho người có học hàm học vị, những người đã có tuổi. Vì thế nên lúc đầu, mọi người luôn nghi hoặc về khả năng của anh. Nhưng anh nghĩ là, khó thì anh mới thích làm. Chắc một phần cũng do từ thời ở Kim Liên, các thầy cô đã thấy là tính anh ngang bướng, không cho làm thì lại càng làm (cười).

                                                       Phạm Gia Vinh- Người truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ về việc chinh phục đam mê

 Phạm Gia Vinh- Người đã truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ cho các thế hệ Kimliener sau này

  1. Mười tám năm trôi qua, Kim Liên cũng đã thay đổi khá nhiều. Bên cạnh rất nhiều thay đổi đó, khi anh quay trở về, anh thấy điều gì là vẫn nguyên vẹn như trước?

  Anh nghĩ điều không thay đổi ở Kim Liên là các thầy cô. Hồi đó khi anh học ở trường thì anh làm Phó bí thư đoàn trường, được giao lưu với nhiều trường khác nhưng mà anh thấy giáo viên trường Kim Liên vô cùng tâm lý. Cho đến bây giờ khi anh trở về trường thì vẫn thấy vậy, như cách nói chuyện với học sinh hay tinh thần, không khí trong trường, các thầy cô đều rất thấu hiểu học sinh.

  1. Anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm của mình khi còn ngồi ghế nhà trường?

Thời đi học thì anh nghịch lắm! Lúc đó anh học ở nhà E, bên cạnh là phòng thí nghiệm hóa học – vật lý. Anh chính là đứa đầu têu trèo vào phòng thí nghiệm xong pha trộn tất mấy hóa chất trong đó, lung tung khói mù mịt luôn (cười). Sau này thì thầy hiệu trưởng - thầy Thuật bảo nếu muốn vào trong này thì nói với cô phụ trách, không trèo vào là hỏng khóa của thầy! Chắc có lẽ lúc bấy giờ ở trường anh bị thầy cô mắng nhiều nhất, nhưng thời học sinh thì phải có vài lần nghịch thế mới vui. Hôm nay về thăm Kim Liên, anh không chỉ thấy bồi hồi mà còn như được sống lại vậy. Tòa nhà anh học, nhà E, không bị thay đổi gì mấy, nên  nhìn lên là có thể nhớ về kỉ niệm hồi đó ngay.

  1. Vậy theo anh, sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ của anh và thế hệ hiện nay là gì?

Anh nghĩ là thế hệ hiện nay có điều kiện tiếp xúc với công nghệ, tiếp cận nhiều hơn với văn hóa nước ngoài hay những nền văn hóa mới, những trào lưu mới. Anh nghĩ đó là một trong những khác biệt, cũng là cái rất tốt để các em tích lũy thêm kiến thức cũng như có tư duy mở hơn. Các em vẫn có cái “khung” làm nền tảng, nhưng là có thêm những định hướng riêng, chính kiến của riêng mình để có quyền lựa chọn nhiều hơn. 

  1. Cuối cùng, trở về trường khi đã là một người rất thành công như vậy, anh có muốn nhắn nhủ gì đến các thế hệ học sinh trường Kim Liên trong hiện tại và tương lai?

Học sinh Kim Liên khi đã ra trường rồi đều rất tự hào bởi đây là một trường tốt trong thành phố, tốt nghiệp ở đây là điều đáng hãnh diện với bao người. Anh nghĩ là để niềm tự hào ấy biến thành hành động thiết thực thì ngay từ bây giờ, các em nên có định hướng và theo đuổi đam mê của riêng mình. Đam mê theo như anh nghĩ, nó không phải là đích đến, nhưng chính là định hướng. Khi có đam mê - điều mình mong muốn thì mới thích, mới có động lực để làm.

Cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho chúng em, chia sẻ những câu chuyện đáng yêu mà hết sức chân thành. Kimlien News xin chúc anh luôn có sức khỏe, luôn đam mê và gặt hái thật nhiều thành công trong các dự định sắp tới!

                                                                                                   Vũ Huyền Anh – 10A16